Từ đầu năm đến nay,ácônglớnngoạiđuasăndựánbấtđộngsảnViệvu lan báo hiếu các ông lớn bất động sản nước ngoài đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, góp vốn vào các dự án tại Việt Nam. Hồi tháng 7, Keppel Land thông báo sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua 65% cổ phần tại doanh nghiệp sở hữu một trung tâm thương mại tại Hà Nội, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Trước đó hai tháng, ông lớn Singapore này đã mua vốn tại hai dự án nhà ở của Khang Điền tại TP Thủ Đức với giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Gamuda cũng chi gần 7.300 tỷ đồng mua dự án rộng 3,7 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2021, quy mô 6 tháp với gần 2.000 căn hộ và được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý từ đầu năm nay. Hiện tại, tường phía ngoài dự án đã gắn biển thương hiệu của doanh nghiệp Malaysia.
Lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cũng xuất hiện một số thương vụ đình đám như dự án khu resort Nam Hội An (Hoiana) có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD đã về tay gia tộc Cheng giàu thứ ba ở Hong Kong.
Hồi giữa năm, hai khách sạn ở TP HCM gồm Ibis Saigon South 3 sao và Capri by Frasers 4 sao cùng tọa lạc quận 7 cũng được đổi chủ thành công.
JLL đánh giá dù thị trường địa ốc đi xuống, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và quỹ đầu tư nước ngoài. "Các thương vụ M&A lớn gần đây đã phần nào phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", đơn vị này cho biết.
Cuối tháng 8, JLL dẫn số liệu thống kê từ Real Capital Analytics - tổ chức chuyên phân tích dữ liệu cho đầu tư và giao dịch bất động sản trên toàn cầu - cho thấy tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố chính thức năm 2022 tại Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị các thương vụ này đạt hơn 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đại dịch 2019.
Làn sóng M&A bất động sản trong nước tiếp tục được một số chuyên gia, tổ chức dự báo mạnh hơn từ cuối năm nay trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phải bán tài sản, dự án để xoay xở trả nợ. Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết đã nhận thấy sự nhộn nhịp hơn của thị trường M&A các dự án từ tháng 8.
Còn theo báo cáo của VARS, nhà đầu tư tham gia M&A phần lớn đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan. Chỉ có một ít doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi này. Sự quan tâm của nhà đầu tư được duy trì suốt nửa đầu năm và càng tăng dần về cuối năm. Tuy nhiên, tính đến hết quý II, nhiều thương vụ M&A mới ở giai đoạn đầu (tìm kiếm và khảo sát), chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam - công ty có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn M&A dự án, nói rằng thời gian giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. "Rất ít thương vụ M&A có thể hoàn thành trong 3 tháng vì quy trình khảo sát, thẩm định, quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài rất chặt chẽ", ông Cần nói.
Theo chuyên gia này, với năng lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến các dự án bất động sản trong nước bởi nhiều đơn vị nhận định thị trường Việt Nam vẫn tiềm năng khi phát triển sau nhiều quốc gia 10-15 năm, nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn.
Các doanh nghiệp ngoại hiện ưu tiên M&A nhất tại thị trường Hà Nội, TP HCM. Tiếp sau đó là các tỉnh, thành phố lân cận hai đô thị lớn này như ở phía Bắc là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Ở phía Nam là Bình Dương, Đồng Nai, Long An vì gần sân bay và có nhiều khu công nghiệp. Ngoài ra, theo ông Cần, nhà đầu tư nước ngoài cũng tìm kiếm dự án ở các trung tâm kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh hay trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang.
Tuy nhiên, ông Cần cho biết nhà đầu tư nước ngoài thường muốn mua dự án đã có sẵn pháp lý hoặc phải có khả năng năng hoàn thiện đầy đủ. Đồng thời, họ cũng quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, doanh nghiệp ngoại thường yêu cầu bên bán phải hoàn thiện đầy đủ pháp lý và bàn giao mặt bằng sạch.
Do đó, Chủ tịch Sohovietnam nhận định chủ đầu tư bất động sản nhà ở có thể không bị ép giá, vẫn thỏa thuận theo giá thị trường bởi số lượng dự án có sẵn pháp lý rất ít. Hiện nay, các dự án cần bán, tìm thêm doanh nghiệp hợp tác trên thị trường phần lớn là trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.
Dự báo từ cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường địa ốc sẽ tích cực hơn với nền lãi suất đã hạ xuống, tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, thanh khoản của thị trường bắt đầu ấm lên tương tự tình hình giai đoạn cuối năm 2013. Đây cũng là cơ sở để dự đoán hoạt động M&A bất động sản sẽ sôi động hơn trong năm sau, cả về số lượng và giá trị các thương vụ đều đi lên.
Tương tự, JLL cũng kỳ vọng sẽ ghi nhận nhiều giao dịch thành công hơn thời gian tới trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư Việt Nam vẫn gặp khó khăn tài chính. Đơn vị này cho rằng, giai đoạn 2014-2018, hầu hết tài sản chất lượng cao nằm trong tay chủ đầu tư Việt Nam nhờ năng lực phát triển quỹ đất, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Tuy nhiên với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường hiện tại, JLL nói rằng các doanh nghiệp trong nước buộc phải cơ cấu lại sản phẩm, danh mục đầu tư. Vì vậy, các chủ đầu tư Việt Nam cũng cởi mở hơn với các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, nhà đầu tư ngoại cũng có nhiều lựa chọn tiềm năng hơn tại Việt Nam.
Anh Tú